PV: Nhìn lại tình hình thị trường chứng khoán năm qua, theo ông, đâu là những nét chính đáng chú ý trên thị trường?

TS Lê Xuân Nghĩa: Chúng ta thấy cuối năm ngoái chỉ số VN-Index có lúc rơi xuống dưới 900 điểm, thị trường rơi vào tình trạng rất bi quan. Sau đó, thị trường lại dần phục hồi. Chúng ta đã chứng kiến giai đoạn thị trường tăng trưởng rất tích cực từ đầu năm 2023 đến đầu tháng 9, có thời điểm VN-Index tăng đến 23,7% so với đầu năm. Điều này cho thấy lòng tin của các nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam còn khá cao, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, kể cả gián tiếp và trực tiếp.

Điểm nhấn thứ hai là cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc khối tài chính, như ngân hàng, công ty chứng khoán…, phục hồi nhanh nhất trong các nhóm. Dù mức độ phục hồi chưa ổn định, nhưng cũng là khu vực tạo ra trụ cột cho toàn bộ thị trường tài chính.

Điểm nhấn thứ ba là sự suy giảm nặng nề của các mã cổ phiếu bất động sản, liên quan đến sự khủng hoảng về trái phiếu doanh nghiệp của khu vực này, đến tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản. Đợt đóng băng này có thể kéo dài khá lâu, trở thành một trong những vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại nhất.

Ổn định vĩ mô là điểm mạnh của thị trường tài chính Việt Nam

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia.

Tuy nhiên, gần đây một số dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện. Bằng chứng là một số nhà đầu tư, phát hành lớn như Vingroup, các tập đoàn xây dựng, kể cả trong khu vực công cũng như khu vực tư bắt đầu phát hành trái phiếu trở lại lớn. Mức độ phục hồi chưa lớn, nhưng các nhà đầu tư đã bắt đầu lấy lại niềm tin trong chừng mực nhất định. Ví dụ như đợt phát hành của Vingroup có thể nói là khá thành công trong bối cảnh hiện nay và có thể coi là một trong những chỉ báo về niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường.

Điểm nhấn thứ tư trên thị trường là các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục ở lại thị trường Việt Nam. Ta thấy thỉnh thoảng họ bán ròng, nhưng rồi lại nhanh chóng mua ròng. Điều này có nghĩa là họ không chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài nhiều như một số thị trường khác, dù lãi suất ở Mỹ, châu Âu khá cao. Điều này cho thấy họ vẫn có lòng tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

PV: Trong diễn biến của thị trường như vậy, ông đánh giá thế nào về công tác điều hành, quản lý thị trường năm vừa qua?

TS Lê Xuân Nghĩa: Trong năm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có rất nhiều động thái, chính sách theo hướng tăng cường kiểm soát rủi ro. Cụ thể như chấn chỉnh lại toàn bộ khâu thanh tra, giám sát, kiểm toán… liên quan đến thị trường chứng khoán; các chỉ đạo về việc minh bạch thông tin, đôn đốc các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm…

Không chỉ vậy, UBCKNN đã ra mắt sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính giúp các DN thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính dễ dàng hơn, đáp ứng các quy định của pháp luật và các yêu cầu liên quan đến công bố thông tin về khách hàng và chuỗi cung ứng theo chuẩn quốc tế. Đây là một bước chuẩn bị cho từ năm 2024 trở đi, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như các doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về kinh tế xanh ngày càng chặt chẽ. Hiện nay, không ít doanh nghiệp lúng túng về vấn đề này. Do đó, cuốn sổ tay gần như là "cầm tay, chỉ việc", hướng dẫn các doanh nghiệp từng bước để có thể đưa ra báo cáo chuẩn mực.

Ổn định vĩ mô là điểm mạnh của thị trường tài chính Việt Nam
Lễ ra mắt sổ tay hướng dẫn báo cáo phát thải khí nhà kính diễn ra ngày 8/8/2023.

Ở cấp điều hành cao hơn là Chính phủ, dấu ấn càng rõ nét hơn. Chính phủ đã có nhiều phen phải “nhảy vào” “giải cứu” thị trường, nhưng lần này đã làm quyết liệt hơn bằng những hành động cụ thể, mà trước hết là việc hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Lần này Chính phủ đã vào cuộc thực sự, từ việc cho sửa đổi lại Nghị định 155, Nghị định 75, cho giãn thanh toán trái phiếu doanh nghiệp trong vòng 2 năm, cho sử dụng các tài sản khác để thanh toán trái phiếu.

Những hành động của Chính phủ đã phục hồi niềm tin rất lớn với thị trường, ít nhất nhà đầu tư không thấy bị bỏ rơi trên một thị trường tàn khốc như vậy. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã cương quyết xử lý một số doanh nghiệp lớn có hành vi đầu cơ, thao túng trên cả thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Để tháo gỡ từ gốc những vấn đề của trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ đã thành lập tổ công tác về trái phiếu doanh nghiệp, tổ công tác đặc biệt về thị trườn bất động sản, bởi muốn tháo gỡ cho trái phiếu doanh nghiệp, phải gỡ từ thị trường bất động sản.

Các tổ công tác đã xuống tận nơi khảo sát tại một số doanh nghiệp lớn đang khó khăn để tìm biện pháp hỗ trợ cho họ, điều mà chưa bao giờ Chính phủ từng làm trước đây. Những động tác đã góp phần chặn được đà lao dốc của thị trường bất động sản, đặc biệt là chặn được đà sụp đổ của một số tập đoàn bất động sản lớn. Nhưng để phục hồi thì cần phải có thời gian. Hy vọng nếu các tập đoàn bất động sản lớn đứng vững, thị trường sẽ sớm phục hồi nhanh hơn.

PV: Với nền tảng như vậy, ông kỳ vọng thị trường năm 2024 có những điểm gì thuận lợi gì?

Cơ hội không dành cho người “chống sào đứng đợi”

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, với các yếu tố như lãi suất thấp, triển vọng kinh tế phục hồi tốt hơn, kinh tế vĩ mô ổn định, dòng vốn FDI khả quan…, thị trường chứng khoán năm 2024 có nhiều cơ hội thuận lợi cho các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp. Đương nhiên cơ hội chỉ dành cho những người biết chờ đợi, chuẩn bị. Nếu doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt, đây là cơ hội thực sự. Nếu doanh nghiệp chỉ biết “chống sào đứng đợi”, thì cơ hội đến rồi lại đi.

TS Lê Xuân Nghĩa: Thị trường chứng khoán bao giờ cũng phản ánh lòng tin của các nhà đầu tư về triển vọng của nền kinh tế. Năm tới, thị trường đứng trước một số thuận lợi rõ ràng, nhưng cũng đối mặt nhiều khó khăn thực sự.

Thuận lợi là lãi suất đang ở mức rất thấp, là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp chuẩn bị được báo cáo tài chính tốt, báo cáo phát thải khí nhà kính, được xếp hạng tín nhiệm, đây là cơ hội để phát hành trái phiếu doanh nghiệp thuận lợi với lãi suất thấp. Lãi suất thấp cũng là yếu tố thuận lợi khiến kênh đầu tư chứng khoán hấp dẫn hơn.

Thuận lợi thứ hai là kinh tế Việt Nam năm tới dự báo tăng trưởng cao hơn năm 2023, có thể lên tới 6,5%. Điều đó cũng có tác động tâm lý khá tốt cho thị trường.

Thuận lợi thứ ba là trong khi kinh tế Việt Nam có triển vọng phục hồi tốt, thì lãi suất tại các nước châu Âu, Mỹ vốn đang ở mức cao có khả năng giảm trong năm tới. Khi lãi suất giảm, dòng vốn của họ sang các nước đang phát triển sẽ tăng, đặc biệt là đến các thị trường mới nổi phục hồi tốt như Việt Nam, kể cả về đầu tư trực tiếp hay gián tiếp.

Và một yếu tố quan trọng nữa là dòng vốn FDI. Khoảng từ 10 năm nay, các nhà đầu tư khá tin tưởng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam và đánh giá Chính phủ Việt Nam quản trị kinh tế vĩ mô khá vững tay. Trước đây họ cũng còn phấp phỏng lo ngại về lạm phát, tỷ giá… Những năm gần đây, lạm phát, tỷ giá của Việt Nam luôn được kiểm soát tốt. Tính theo năm, đồng tiền Việt Nam mất giá so với USD ít nhất so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn đồng tiền Nhật mất giá khoảng 13 – 14%, các nước trong khu vực khoảng 7 – 8%, Việt Nam chỉ khoảng trên 3%. Do đó, lo ngại rủi ro về tỷ giá giảm nhiều.

Tất cả những yếu tố trên có thể coi là điểm mạnh, là lợi thế của thị trường tài chính Việt Nam năm tới. Có thể nói, điểm mạnh nhất của thị trường tài chính Việt Nam những năm tới là nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, còn tăng trưởng thì phải phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là khi nhu cầu thế giới đang rất yếu.

PV: Ông đã nói đến những thuận lợi, vậy đâu là thách thức với thị trường trong năm 2024?

TS Lê Xuân Nghĩa: Như tôi vừa nói, cầu tiêu dùng trên thị trường thế giới đang khá thấp. Việt Nam là nước dựa nhiều vào xuất khẩu, nên các ngành nghề liên quan đến xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khá lớn, nhất là các ngành nghề về chế biến chế tạo, điện tử, giày da… Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc đang khá trì trệ, có dấu hiệu thiểu phát, nên cầu càng khó phục hồi nhanh.

Ở trong nước, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, để phục hồi trở lại cần có thời gian. Quan trọng nhất lúc này là tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, thủ tục cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản giá rẻ, dự án nhà ở xã hội. Chính sách cho nhà ở xã hội cần được sửa theo hướng không nên bắt buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các vấn đề chính sách, như là xét duyệt hồ sơ. Nếu nhà ở xã hội “bung” ra được thì thị trường bất động sản mới phục hồi nhanh và lành mạnh, trên nền tảng giá rẻ, giá thật.

Bên cạnh đó, trong khi chúng ta vẫn ngập trong những khó khăn cũ, thì một thách thức mới lại ập đến là các tiêu chuẩn mới về kinh tế xanh. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị cho mối nguy này. Trước đây, miễn là hàng tốt, giá rẻ, tiếp thị tốt là sẽ bán được, nay lại phải thêm cả các tiêu chuẩn xanh.

Nếu chúng ta không chuẩn bị từ bây giờ sẽ rơi vào tình trạng như mặt hàng thép hiện nay. Các thị trường như Ấn Độ, Bangladesh đã chuẩn bị từ vài năm nay nên vừa qua họ không bị mất đơn hàng nào, trong khi ta mất khá nhiều vì không báo cáo được.

PV: Xin cảm ơn ông./.