Tại Vĩnh Phúc, công tác quản lý thu ngân sách được tăng cường. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo tập trung phân tích, rà soát, xác định các nguồn thu có tiềm năng để đẩy mạnh các biện pháp khai thác, tăng thu cho ngân sách; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đồng thời tăng cường quản lý thuế, hạn chế nợ đọng thuế... Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 ước đạt 31.218 tỷ đồng, nằm trong 8 địa phương có số thu ngân sách nội địa cao nhất của cả nước.

Đây là một cố gắng rất lớn của Vĩnh Phúc, khi thị trường bất động sản trầm lắng, các khoản thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sụt giảm mạnh, các khoản thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản như thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân… giảm mạnh so với năm 2022.

Vĩnh Phúc: Tập trung thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc để kịp đơn hàng cho đối tác trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị định 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân... là những nguyên nhân chính làm giảm thu ngân sách nhà nước của tỉnh trong năm 2023. Một số khoản thu, nhất là thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt thấp hơn so với dự toán (ước đạt khoảng 93,8% dự toán). Riêng Công ty Toyota và Honda có số thuế nộp ngân sách năm 2023 ước đạt hơn 16,9 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng hơn 5,5 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.

Công tác quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ước tổng chi ngân sách địa phương đạt 23.850 tỷ đồng, đạt 123,7% dự toán, tăng 16,5% so với năm 2022. Như vậy, mặc dù thu ngân sách đạt thấp so với dự toán nhưng vẫn đảm bảo các khoản chi ngân sách tăng khá so với dự toán và so với năm 2022.

Trong lĩnh vực tín dụng, dư nợ cho vay ước đạt 128 nghìn tỷ đồng, tăng 10,55% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng khá, song so với mức tăng trưởng của các năm 2021 và năm 2022 còn thấp hơn. Điều đó cho thấy, sức hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế chưa cao. Một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc vướng mắc về thủ tục pháp lý. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa và hợp tác xã khó khăn do quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính, thiếu phương án kinh doanh khả thi. Mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, trong khi tổ chức tín dụng không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn của hệ thống.

Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chuyển đến cơ quan nhà nước, chuyển đến Chủ tịch UBND tỉnh thông qua Tổ giúp việc đã được tiếp nhận và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết. Nhiều hội nghị được UBND tỉnh, các sở, ngành tổ chức để tiếp nhận thông tin, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh...

Vĩnh Phúc: Tập trung thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp
Việc phát triển doanh nghiệp trong năm của tỉnh Vĩnh Phúc đạt khá.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành Kế hoạch bổ sung thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 -2030; Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030... làm cơ sở để cụ thể hóa triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh được tích cực triển khai thông qua việc phối hợp với các báo, tạp chí, kênh truyền hình của trung ương và của tỉnh; xuất bản Bản tin đầu tư Vĩnh Phúc, đồng thời qua các kênh khác nhau để gửi thông tin tài liệu xúc tiến đầu tư tới hơn 1.000 lượt các nhà đầu tư và đại sứ quán Việt Nam tại các nước...

Tỉnh đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ với nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ; thăm hữu nghị và tham dự Lễ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc) tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; Hội nghị giao lưu kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản; tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn các nhà đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường của tỉnh.

Kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Số vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào tỉnh tăng cao so với năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra và số vốn DDI (vốn đầu tư trực tiếp trong nước) tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm. Cụ thể, ước năm 2023 tỉnh đã thu hút đầu tư đạt hơn 560 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch. Đồng thời, tỉnh đã thu hút đạt hơn 20,65 nghìn tỷ đồng vốn DDI, tăng 67% so với năm 2022 và vượt 4,13 lần so với kế hoạch năm 2023.

Đối với công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao trách nhiệm tham gia vận hành, duy trì hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc.

UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn cung ứng điện, về thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, về tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư nhà máy nước, dự án nhà ở xã hội, cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bất động sản...; duy trì thực hiện tốt chương trình "Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần” và Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp...

Kết quả cho thấy, việc phát triển doanh nghiệp trong năm đạt khá. Ước tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 1.450 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7% về số doanh nghiệp so với năm trước. Số lượng doanh nghiệp tham gia, quay trở lại thị trường đến nay là 328 doanh nghiệp (năm 2022 là 397 doanh nghiệp).

Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh là 679 doanh nghiệp, tăng 30% so với năm trước và số doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể là 121 doanh nghiệp tăng 50 doanh nghiệp so với năm trước. Điều này cho thấy tình hình kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến cho số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng lên./.

Năm 2023, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều điểm sáng; Môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm, chú trọng cải thiện. Chỉ số PCI, Chỉ số PAPI, Chỉ số PARINDEX đều ở top đầu của cả nước; tỉnh tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm với từng chỉ số thành phần, điểm danh, nhận diện cụ để nâng cao.