Ngày 26/12, tại Hà Nội, Học viện Tài chính tổ chức hội thảo khoa học “Chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam”.

Chuyển đổi số triển khai mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, theo “Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đồng thời, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.

Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Việt Nam
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Với sự quyết tâm cao của Chính phủ cũng như các ban, ngành, thời gian qua, chuyển đổi số đã được triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, mang lại nhiều kết quả tích cực.

Trong lĩnh vực kinh tế, chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng năng suất lao động, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng thành công các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây vào sản xuất, kinh doanh, quản trị, marketing...

PGS.TS Đinh Văn Hải của Học viện Tài chính cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một nền tảng cho phát triển kinh tế số: đào tạo đội ngũ nhân lực, hệ thống internet, mạng 5G, doanh nghiệp công nghệ... Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích nổi trội cho tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước, vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế: tư tưởng ngại đổi mới, thiếu tích cực, lợi ích của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, tính bảo mật thông tin... những hạn chế này cần sớm được khắc phục.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều, trong lĩnh vực hành chính nhà nước, chuyển đổi số đã giúp Chính phủ nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, giảm chi phí, tăng sự minh bạch, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai, giúp người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Trong lĩnh vực xã hội, chuyển đổi số đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Nhiều ứng dụng số đã được phát triển, giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, giáo dục, y tế, giải trí...

Chia sẻ tình hình phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ông Trịnh Văn Biển - Giám đốc Chuyển đổi số, Công ty CP Misa, cho hay hiện nay, Việt Nam đã trở thành một nước mạnh về viễn thông - internet với công nghệ hiện đại, mức phổ cập internet cao, có nhiều thành tựu làm nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế số.

Trong đó, công nghiệp ICT đang thực sự dẫn dắt sự phát triển của kinh tế số. Năm 2022, ước tính sơ bộ tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 14,26%, trong đó kinh tế số ICT là 9,02% (chiếm 65% quy mô kinh tế số) với tỷ lệ tăng trưởng 12,34% so với năm 2021, tiếp tục duy trì là một trong 10 nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số…

Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Việt Nam
PGS.TS Đinh Văn Hải thuộc Học viện Tài chính tham luận tại hội thảo. Ảnh: Đức Việt.

Tỷ trọng kinh tế ngành, lĩnh vực (ngoại trừ ngành công nghiệp ICT) năm 2022 đạt 5,24%, chiếm tỷ trọng 35% quy mô kinh tế số của cả nước. Trong đó, đóng góp lớn nhất thuộc về ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ.

Giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam thời gian tới

Đứng trước nhìn nhận chi tiết về phát triển kinh tế số, theo ông Biển, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp và hành động nhằm phát triển kinh tế số ở tầm chiến lược như: phát triển hạ tầng số; hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế số; hoàn thiện chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số; nâng cao kỹ năng số và nguồn nhân lực công nghệ thông tin; phát triển doanh nghiệp số; phát triển đột phá kinh tế số ngành, lĩnh vực thông qua các nền tảng số.

Còn theo PGS.TS Đinh Văn Hải, giải pháp phát triển kinh tế số tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cần đổi mới tư duy lãnh đạo quản lý và năng lực điều hành kinh tế. Rào cản lớn nhất để phát triển kinh tế số không phải là vốn, công nghệ mà chính là nhận thức của người lãnh đạo. Việc chuyển sang nền tảng số đồng nghĩa với chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi về con người, trong đó, sự chuyển đổi về con người là quan trọng nhất.

Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp luật đẩy mạnh phát triển kinh tế số. Thể chế cần đi trước một bước và được điều chỉnh linh hoạt để chấp nhận những cái mới: công nghệ mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình mới; đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số, phát triển hệ thống hạ tầng số quốc gia đồng bộ, rộng khắp đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin, các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Việt Nam
Ông Trịnh Văn Biển - Giám đốc Chuyển đổi số của Công ty CP Misa, tham luận tại hội thảo.

PGS.TS Đinh Văn Hải cho rằng, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin phục vụ cho phát triển kinh tế số theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển.

Đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; tăng cường hợp tác quốc tế về công nghệ số và kinh tế số, trong đó chú trọng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế, bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện...

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận làm rõ hơn về cơ sở lý luận cũng như nhận diện thực tiễn chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam, từ đó, đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho nền kinh tế trong thời gian tới để đạt được những mục tiêu mà Chính phủ đề ra.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều, Ban tổ chức hội thảo đã lựa chọn, biên tập được 66 bài viết có chất lượng để đăng trong kỷ yếu hội thảo. Các bài viết gửi về hội thảo tập trung phân tích đánh giá, nhận định về chuyển đổi số trong nền kinh tế Việt Nam; xu hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực của nền kinh tế như: ngân hàng, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp thương mại, logistic, trong các ngành kinh tế, giáo dục, y tế…; kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi số; các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam…