Lợi nhuận toàn thị trường sẽ hồi phục

Báo cáo chiến lược 2024 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, hầu hết các nhóm ngành đều có diễn biến tích cực trong năm 2023. Chứng khoán là nhóm ngành có hiệu quả đầu tư cao nhất trong năm với 83,8%. Nhờ hiệu ứng từ giải ngân đầu tư công, xây dựng và vật liệu xây dựng, nhóm cổ phiếu đầu tư công có đà tăng lần lượt là 54,6% và 49,2%. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu bán lẻ và dịch vụ ghi nhận mức giảm giá mạnh trong năm 2023.

Theo phân tích của các chuyên gia MBS, đà giảm của lợi nhuận ròng của doanh nghiệp niêm yết toàn thị trường đã thu hẹp đáng kể trong quý III/2023, với mức giảm chỉ 1,5% so với cùng kỳ năm 2022 (quý II/2023 giảm 14%; quý I/2023 giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô như xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng có xu hướng cải thiện trong những tháng cuối năm 2023, lãi suất và tỷ giá hạ nhiệt, MBS kỳ vọng lợi nhuận thị trường sẽ ghi nhận tăng trưởng dương trong quý IV/2023.

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024
Các chuyên gia kỳ vọng lợi nhuận thị trường sẽ ghi nhận tăng trưởng dương trong quý IV/2023. Ảnh: T.L

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Chứng khoán Yuanta, cho rằng bức tranh kinh tế vĩ mô 2024 Việt Nam và thế giới có nhiều điểm sáng khi lạm phát không còn là vấn đề đáng ngại, lãi suất sẽ bắt đầu chu kỳ giảm từ năm 2024.

Ngoài ra, chỉ số P/E của cổ phiếu vẫn hấp dẫn so với lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Nếu năm 2023, mức tăng lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm đã cao kỷ lục, thì sẽ bước vào chu kỳ giảm xuống, chỉ còn 2,5%. Điều này sẽ rất tích cực cho thị trường chứng khoán năm 2024.

Thêm vào đó, chỉ số S&P 500 đã xác lập mức tăng kỷ lục, trong khi VN-Index vẫn chưa tăng theo. Trong khi lâu nay, chứng khoán Việt Nam thường có độ tương quan nhất định với chứng khoán Mỹ, điều này dự báo chứng khoán Việt Nam trong năm 2024 sẽ trở lại cùng chiều với chứng khoán Mỹ.

Về mặt định giá, Yuanta Việt Nam cho rằng định giá chứng khoán Việt Nam không đắt và kỳ vọng lợi nhuận toàn thị trường sẽ hồi phục khoảng 28% và sẽ kéo P/E xuống.

Hiện lũy kế chỉ số đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của cổ phiếu và thu nhập trên một cổ phiếu (P/E) 12 tháng ở mức 14,7 lần, thấp hơn bình quân 5 năm lũy kế là 17,6 lần. Như vậy có thể thấy P/E thị trường không hề đắt so với quá khứ.

Trong khi đó, tỷ suất lợi tức các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng hồi phục ấn tượng, còn tỷ suất lợi tức thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang ở mức hấp dẫn, xấp xỉ 11%. Trong quá khứ, những giai đoạn tỷ suất lợi tức tăng trên 11% như 2008, 2011 và 2020, thị trường chứng khoán ghi nhận đà hồi phục rất mạnh. Điều này khẳng định một lần nữa thị trường đang ở mức định giá rất hấp dẫn.

Kịch bản tươi sáng cho thị trường

Còn ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, động lực cho thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng trong năm 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết.

Năm 2024, ông Đức Anh dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước đạt 15% - 20%, một phần dựa trên nền năm 2023 thấp và tăng trưởng GDP được dự báo ở mức trên dưới 6% cao hơn 5% của năm 2023. Trong kịch bản tích cực, chúng ta có thể kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi.

Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024
Nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2024. Ảnh: T.L

Các chuyên gia của MBS nhận định, trong năm 2024, lợi nhuận ròng thị trường sẽ tăng 16,8% so với năm 2023, chủ yếu được hỗ trợ bởi sự phục hồi của các ngành ngân hàng, vật liệu xây dựng và bán lẻ và tiêu dùng. Điểm rơi lợi nhuận của thị trường chủ yếu sẽ rơi vào quý III và quý IV/2024, chủ yếu là do nền thấp cùng kỳ năm 2023.

Ở kịch bản cơ sở, MBS kỳ vọng VN-Index sẽ tăng lên ngưỡng 1.250 - 1.280 điểm trong năm 2024. Định giá hiện tại của VN-Index, chỉ số P/E đang ở mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 11,1% so với P/E trung bình 3 năm gần đây.

Ngoài ra, nếu đặt trong mối tương quan giữa thị trường chứng khoán và lãi suất, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mặt bằng tương đương thậm chí thấp hơn giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, trong khi định giá thị trường hiện tại đang thấp hơn giai đoạn này 19,2%.

MBS cho rằng, mặc dù tiến độ tương đối chậm song nhiều dự án bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã dần tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, hệ thống KRX khi được đưa vào vận hành sẽ là tạo nền tảng cơ sở để nhiều giải pháp giao dịch mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng của Việt Nam./.

Các chuyên gia cho rằng bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, thị trường vẫn phải đổi mặt với các yếu tố rủi ro như thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, làm giảm sự lưu thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán. Lạm phát tăng cao hơn so với kỳ vọng (trên 4 - 4,5%) có thể khiến chính sách tiền tệ đảo chiều.